Đối tượng của bậc học này là trẻ em chập chững cắp sách đến trường để học những lễ nghi, ứng xử ở nhà trường, gia đình và xã hội; những kiến thức văn hoá và khoa học cơ bản đầu tiên. Các em đến trường với tuổi thơ tràn đầy sức sống và với tâm hồn trong trắng. Trách nhiệm của thầy cô và nhà trường là không chỉ giữ cho những tâm hồn ấy mãi trong sáng, mà còn dạy dỗ, rèn luyện, hun đúc và ươm mầm ước mơ để mai sau các em sẽ trở thành những công dân có đức có tài phục vụ đất nước
GIỚI THIỆU
Trong hệ thống giáo dục quốc dân, Giáo dục Tiểu học có một vị trí đặc biệt quan trọng, bởi đây là bậc học “nền móng” để xây dựng một “ngôi nhà mới - con người mới”. Đối tượng của bậc học này là trẻ em chập chững cắp sách đến trường để học những lễ nghi, ứng xử ở nhà trường, gia đình và xã hội; những kiến thức văn hoá và khoa học cơ bản đầu tiên. Các em đến trường với tuổi thơ tràn đầy sức sống và với tâm hồn trong trắng. Trách nhiệm của thầy cô và nhà trường là không chỉ giữ cho những tâm hồn ấy mãi trong sáng, mà còn dạy dỗ, rèn luyện, hun đúc và ươm mầm ước mơ để mai sau các em sẽ trở thành những công dân có đức có tài phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Bậc tiểu học - bậc học đầu tiên gánh vác nhiệm vụ lớn lao ấy. Thầy cô giáo tiểu học là người thầy đầu tiên thực hiện sứ mạng rất đỗi thiêng liêng và vinh quang ấy nên phải là người tài đức vẹn toàn; có tình thương yêu, lòng tin và sự tôn trọng đối với các em; đối xử công bằng, dân chủ và tế nhị với tất cả các em.
Với các em học sinh tiểu học, thầy cô giáo là thần tượng, là tấm gương sáng soi đường cho các em đến tương lai.
THÔNG TIN CẦN NHỚ
VỊ TRÍ LÀM VIỆC CỦA NGƯỜI HỌC SAU KHI TỐT NGHIỆP
- Giáo viên các trường tiểu học; giảng viên các cơ sở đào tạo giáo viên tiểu học.
- Chuyên viên về lĩnh vực giáo dục tiểu học các cơ sở quản lý giáo dục.
CHUẨN ĐẦU RA VỀ KIẾN THỨC
- Sinh viên có kiến thức cơ bản để dạy tất cả các môn ở bậc Tiểu học, ở tất cả các khối lớp 1, 2, 3, 4 và 5, với các đối tượng học sinh có khả năng nhận thức khác nhau.
- Hiểu được mục tiêu đào tạo của bậc Tiểu học, yêu cầu về kiến thức, kỷ năng, thái độ của từng khối lớp, từng phân môn.
- Nắm vững chương trình, nội dung sách giáo khoa Tiểu học.
- Có kiến thức về phương pháp, về hình thức tổ chức dạy học các phân môn, phương pháp đánh giá và xếp loại kết quả học tập, rèn luyện của học sinh Tiểu học.
- Có kiến thức về tâm lí, sinh lí của học sinh Tiểu học. VỀ KỸ NĂNG
- Kỹ năng lập kế hoạch giảng dạy, công tác theo năm học, học kì, tuần.
- Kỹ năng xây dựng hồ sơ giảng dạy, chủ nhiệm.
- Kỹ năng giao tiếp và giao tiếp sư phạm, truyền đạt thông tin chính xác, dễ hiểu đối với học sinh Tiểu học.
- Kỹ năng hướng dẫn học sinh Tiểu học thực hiện các đơn vị kiến thức và các kỷ năng như: đọc, nghe, nói, viết Tiếng Việt; giải toán Tiểu học; quan sát...
- Kỹ năng sử dụng đồ dùng dạy học có hiệu quả.
- Kỹ năng vận dụng các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học phát huy trí lực, tạo hứng thú cho học sinh Tiểu học.
- Kỹ năng quản lí và tổ chức các hoạt đông tập thể, xây dựng lớp đoàn kết, có nề nếp.
- Thiết lập được mối quan hệ giao tiếp tốt đẹp với mọi đối tượng học sinh.
- Tổ chức được quá trình hình thành khái niệm khoa học và hình thành các hành động học tập hợp lí trong từng tiết học cho học sinh.
- Giải quyết các tình huống sư phạm hợp lí, có hiệu quả, mang tính giáo dục. - Thực hiện nghi thức đội, tổ chức các hoạt động nghiệp vụ: hát, múa, trò chơi, cắm trại cho thiếu nhi.
- Kỹ năng tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi và điều kiện của nhà trường, địa phương.
VỀ THÁI ĐỘ
- Có những phẩm chất cơ bản của người giáo viên trong nhà trường xã hội chủ nghĩa Việt Nam: thấm nhuần thế giới quan Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, yêu học sinh, yêu nghề, có ý thức trách nhiệm xã hội, đạo đức, tác phong người thầy giáo.
- Có ý thức tích cực, tự giác, thường xuyên rèn luyện các năng lực sư phạm, kỷ năng giao tiếp sư phạm và tu dưỡng phẩm chất đạo đức người giáo viên.
- Nâng cao ý thức tự học, tự nghiên cứu để có thể tiếp thu những ý tưởng mới trong dạy học và rèn luyện kỷ năng học tập suốt đời.
- Hình thành thái độ làm việc có trách nhiệm, có kế hoạch.